Tật khúc xạ là gì? Dấu hiệu và cách bảo vệ thị lực
Tật khúc xạ là nguyên nhân phổ biến khiến thị lực giảm ở cả người già và người trẻ. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa tăng độ và bảo vệ tầm nhìn sáng rõ. Những thông tin chi tiết dưới đây sẽ là cẩm nang hữu ích cho bạn khi đối mặt với một trong 4 tật khúc xạ cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị.
Tật khúc xạ mắt là gì?
Ở mắt bình thường, ánh sáng vào mắt sẽ được giác mạc, thủy tinh thể hội tụ lên võng mạc, chuyển thành tín hiệu hình ảnh đến não, nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự vật.
Khi hình dạng, cấu trúc của giác mạc, thủy tinh thể hay trục nhãn cầu thay đổi sẽ khiến các tia sáng không được khúc xạ đúng cách lên võng mạc, làm giảm thị lực. Lúc này người bệnh sẽ được kết luận mắc tật khúc xạ mắt.
Đặc điểm khác biệt của 4 tật khúc xạ thường gặp.
Hiện nay có 4 tật khúc xạ phổ biến là cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị. Đều làm giảm thị lực, tuy nhiên 4 tật khúc xạ này lại có những đặc điểm khác biệt như sau:
– Cận thị: Trục nhãn cầu quá dài, giác mạc quá cong, thủy tinh thể quá phồng là nguyên nhân gây tật cận thị. Lúc này các tia sáng sẽ hội tụ phía trước võng mạc, khiến người bệnh nhìn xa bị mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ.
– Viễn thị: Trục nhãn cầu quá ngắn, giác mạc hay thủy tinh thể quá dẹt là nguyên nhân gây tật viễn thị. Lúc này tia sáng sẽ hội tụ phía sau võng mạc, khiến người bệnh nhìn gần bị mờ, nhìn xa vẫn rõ khi bệnh nhẹ. Khi viễn thị nặng, người bệnh sẽ nhìn mờ ở mọi khoảng cách.
– Loạn thị: Bề mặt của giác mạc hoặc thủy tinh thể có độ cong không đều khiến ánh sáng tập trung tại nhiều vị trí trước, sau võng mạc là nguyên nhân gây loạn thị. Khi bị loạn thị, người bệnh nhìn xa hay gần đều bị mờ và nhòe.
– Lão thị: Thủy tinh thể bị xơ cứng, giảm khả năng đàn hồi khi tuổi tác tăng cao là nguyên nhân gây tật lão thị. Lúc này, người bệnh sẽ rất khó nhìn các vật ở gần, nhìn xa thì rõ hơn nhưng dễ bị nhức mỏi mắt.
Dấu hiệu nhận biết các tật khúc xạ ở mắt
Ngoài nhìn mờ, cả 4 tật khúc xạ cận thị, viễn thị, lão thị, loạn thị đều có thể gây ra một số biểu hiện dễ nhận biết sau đây:
– Mắt hay nhức và mỏi.
– Nhìn nhòe 1 vật thành nhiều vật.
– Có thói quen nheo mắt để nhìn rõ hơn.
– Nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ bị chói mắt, lóa mắt dù ánh sáng môi trường không mạnh.
– Lác mắt.
– Nhức đầu, chóng mặt
Nhìn mờ và hay nheo mắt là biểu hiện đặc trưng của tật khúc xạ
Ai dễ mắc tật khúc xạ?
Tật khúc xạ có thể xảy ra do bẩm sinh hoặc do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không hợp lý. Nếu có những đặc điểm dưới đây, bạn sẽ có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn những người khác:
– Nhìn quá gần khi đọc sách báo, sử dụng điện thoại, máy tính, xem tivi…
– Học tập và làm việc trong môi trường thiếu sáng hoặc ánh sáng thường xuyên chập chờn, không ổn định.
– Ăn uống thiếu cân bằng giữa các nhóm chất, thiếu các chất chống oxy hóa, chống lão hóa, vitamin và khoáng chất cho mắt.
– Cao tuổi.
– Có thói quen thức khuya, ngủ không đủ 6-8 giờ mỗi ngày.
– Hút thuốc lá, uống rượu bia.
– Tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng mạnh như ánh nắng mặt trời, tia lửa hàn, ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử…
– Mắt bị tổn thương do va đập hay trải qua phẫu thuật.
– Bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc tật khúc xạ.
Tật khúc xạ có nguy hiểm không?
Tật khúc xạ làm giảm thị lực, thông qua đó khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái và tăng mức độ rủi ro, nguy hiểm cho cuộc sống hàng ngày. Không chỉ vậy, tật khúc xạ có thể tiến triển nặng, dẫn đến các vấn đề về mắt nghiêm trọng hơn, có nguy cơ gây mù lòa cao như lác mắt, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, đục dịch kính…
Tật khúc xạ hoàn toàn có thể được kiểm soát, trả lại cho bạn tầm nhìn sáng rõ nếu áp dụng đúng phương pháp chăm sóc mắt. Bạn hãy gọi ngay đến số điện thoại: 0987.45.49.48 để được chuyên gia tư vấn chi tiết hơn.
Cách chữa tật khúc xạ
Dễ mắc nhưng hiện nay tật khúc xạ có thể chữa được bằng nhiều cách khác nhau như sau:
Đeo kính chỉnh khúc xạ
Đeo kính là cách chữa tật khúc xạ phổ biến và đơn giản nhất cho hầu hết những người bị tật khúc xạ từ 1 độ trở lên. Mỗi tật khúc xạ sẽ cần đeo loại mắt kính khác nhau, cụ thể là:
– Cận thị, lão thị: đeo mắt kính phân kỳ
– Viễn thị: đeo mắt kính hội tụ.
– Loạn thị: đeo mắt kính đặc biệt chứa cả 2 phần phân kỳ và hội tụ.
Kính có gọng là loại kính thông dụng, tuy nhiên nếu làm công việc không phù hợp để đeo kính gọng, người bệnh có thể lựa chọn kính áp tròng, kính đeo qua đêm chỉnh hình giác mạc.
Người bệnh cần đi khám và đeo kính đúng độ khi mắc tật khúc xạ
Phẫu thuật chữa tật khúc xạ
Trong trường hợp mắc tật khúc xạ nặng, không phù hợp để đeo kính và từ 18 tuổi trở lên, người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật để điều chỉnh thị lực. Hiện có một số phương pháp phẫu thuật tạo hình giác mạc phổ biến là Lasik, Femtosecond lasik, Relex smile, Phakic… với nhiều mức giá khác nhau.
Bên cạnh lợi ích, các phẫu thuật này cũng tồn tại nguy cơ gây ra một số biến chứng như khô mắt, viêm giác mạc, xuất huyết mắt… Do vậy, người bệnh cần thăm khám kỹ và chọn địa chỉ mổ uy tín, đồng thời cần có chế độ chăm sóc tốt để mắt nhanh phục hồi thị lực.
Riêng đối với trường hợp bị tật khúc xạ là do thủy tinh thể bị đục, xơ cứng vì lão hóa, người bệnh có thể thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo mới cho mắt.
Cách ngăn ngừa tật khúc xạ tiến triển giúp mắt sáng khỏe lâu dài
Một số thay đổi trong lối sống sau đây có thể giúp cải thiện thị lực và ngăn ngừa tăng độ khi mắc tật khúc xạ hiệu quả cho bạn.
– Bổ sung đủ dưỡng chất cho mắt bằng cách tăng lượng rau củ và trái cây tươi như ớt chuông, đu đủ, rau cải xanh, súp lơ xanh, dâu, nho, cam, các loại đậu, gấc, ngô, hạnh nhân, hạt bí, cà rốt, bí ngô…
– Không nhìn gần ở khoảng cách nhỏ hơn 30cm trong khoảng thời gian dài. Chú ý đặt sách vở, máy tính, điện thoại… ở cách mắt tối thiểu 30cm (khoảng 1 sải tay).
– Sau mỗi 20 phút làm việc tập trung hãy dành 20 giây để nhìn một vật ở cách xa khoảng 6m vì đây là khoảng cách mắt có thể nhìn rõ mà không cần điều tiết và được thư giãn, giảm mệt mỏi.
– Học tập, làm việc trong môi trường đủ sáng.
– Ngủ trước 23 giờ đêm và đủ tối thiểu 6 – 8 giờ/ ngày.
– Không hút thuốc lá.
– Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê hay các chất kích thích có hại cho cơ thể khác.
– Đeo kính đúng độ và đi khám mắt thường xuyên để kiểm soát tiến triển của tật khúc xạ.
Theo thống kê, có gần 40% dân số nước ta đang phải đối mặt với các tật khúc xạ và con số này đang không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng các phương pháp chăm sóc mắt, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể gìn giữ được thị lực tốt và có cuộc sống trọn vẹn hơn.
Dược sĩ Trần Huyền
Nguồn tham khảo:
https://nei.nih.gov/health/errors/errors