KÍNH MẮT XUÂN VŨ

Cận loạn thị là gì ?

Thứ Bảy, 06/01/2024
Tống Xuân Toàn

Loạn thị và cận thị là những tật khúc xạ xảy ra khá phổ biến. Rất nhiều người lầm tưởng cận loạn thị là vừa mắc cận thị, vừa mắc loạn thị. Vậy hiểu đúng thì cận loạn thị là gì, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Cận loạn thị là gì?

Ở mắt bình thường, giác mạc và thủy tinh thể được cấu tạo sao cho tất cả ánh sáng tới mắt sẽ được hội tụ tại một điểm chính xác trên võng mạc (điểm vàng, hay còn gọi là hoàng điểm) ở đáy mắt, giúp bạn nhìn vật rõ nét ở mọi khoảng cách dù gần hay xa.

Cận loạn thị thực chất là một loại loạn thị xảy ra khi giác mạc hoặc thủy tinh thể bên trong mắt cong không đều, và/hoặc trục nhãn cầu quá dài, khiến cho ánh sáng đến mắt hội tụ thành nhiều điểm ở trước võng mạc thay vì chỉ thành một điểm trên võng mạc như mắt bình thường. Hậu quả là mắt nhìn mờ nhòe ở mọi khoảng cách.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cận loạn thị là gì?

Triệu chứng của cận loạn thị là gì? Chúng cũng tương tự như loạn thị đơn thuần, có thể bao gồm:

  • Tầm nhìn mờ, nhòe ở mọi khoảng cách
  • Mỏi mắt hoặc khó chịu ở mắt
  • Nhức đầu
  • Phải nheo mắt để cố nhìn rõ
  • Hạn chế tầm nhìn vào ban đêm.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa nếu các triệu chứng vừa kể trên làm ảnh hưởng đến thị lực, gây cản trở khả năng thực hiện các công việc hàng ngày. Bác sĩ nhãn khoa có thể xác định xem bạn có bị cận loạn thị hay không và nếu có thì ở mức độ nào. Sau đó, họ có thể tư vấn cho bạn về các lựa chọn để điều chỉnh tầm nhìn và thị lực của mắt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của cận loạn thị là gì?

Ở mắt cận loạn thị thường có 2 điểm hội tụ ánh sáng chính. Hai điểm này có thể 1 nằm trước võng mạc và 1 nằm trên võng mạc; hoặc cả hai nằm trước võng mạc. Tùy theo từng tình huống này mà ta có:

  • Loạn cận thị đơn giản xảy ra khi 1 điểm hội tụ ánh sáng nằm trên võng mạc và 1 điểm hội tụ ánh sáng nằm trước võng mạc.
  • Loạn cận thị phức hợp xảy ra khi cả hai điểm hội tụ ánh sáng đều nằm trước võng mạc .

Các yếu tố nguy cơ

Bạn cũng nên biết thêm các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bạn bị cận loạn thị là gì để phòng tránh phần nào:

  • Di truyền từ cha mẹ
  • Đọc sách hoặc nhìn quá gần trong thời gian dài
  • Sử dụng máy tính, thiết bị điện tử trong thời gian dài
  • Ít tham gia các hoạt động ngoài trời
  • Các bệnh về mắt
  • Mí mắt gây áp lực quá lớn lên giác mạc
  • Chấn thương mắt
  • Biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Biến chứng

Biến chứng của cận loạn thị là gì?

Cận loạn thị không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tăng độ loạn và nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho mắt. Vậy, biến chứng của cận loạn thị là gì? Cận loạn thị không được điều trị có thể dẫn đến: 

  • Suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn
  • Hạn chế tầm nhìn, khiến bạn khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Gặp nguy hiểm đặc biệt là khi lái xe tham gia giao thông
  • Đối với trẻ em, bị cận loạn thị sớm có thể ảnh hưởng đến thành tích học tập và sự phát triển về mặt thể chất
  • Cận loạn thị nặng khiến bạn có nguy cơ cao bị bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và các bệnh nghiêm trọng khác về mắt.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán cận loạn thị là gì?

Phương pháp chẩn đoán cận loạn thị là gì? Tất cả các loại tật khúc xạ nói chung có thể được phát hiện khi khám mắt tổng quát, bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực để đo tầm nhìn ở mọi khoảng cách
  • Kiểm tra khúc xạ để xác định kính phù hợp
  • Khám bằng đèn khe để đánh giá cấu trúc của mắt.

Những phương pháp điều trị cận loạn thị là gì?

Nhiều người lo lắng vì nghĩ khi bị cận loạn thị thì sẽ khó điều trị hơn, tuy nhiên, tình trạng này không quá khó khắc phục. Mục tiêu của việc điều trị là giúp tập trung ánh sáng chính xác trên võng mạc để bạn nhìn rõ mọi vật và tạo sự thoải mái cho mắt. 

Phương pháp điều trị cận loạn thị là gì? Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định đeo kính, kính áp tròng hoặc phẫu thuật để điều chỉnh.

  • Đeo kính. Đeo kính mắt hoặc kính áp tròng giúp điều chỉnh điều trị chứng cận loạn thị bằng cách bù trừ độ cong không đồng đều của giác mạc hoặc thủy tinh thể, hay tình trạng trục nhãn cầu quá ngắn.
  • Phẫu thuật. Phẫu thuật tật khúc xạ giúp cải thiện thị lực và giảm nhu cầu đeo kính đeo mắt hoặc kính áp tròng. Bác sĩ phẫu thuật mắt sử dụng chùm tia laser để định hình lại các đường cong của giác mạc, giúp điều chỉnh tật khúc xạ.

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan